Đây thường là câu hỏi mà bất kỳ nhà tuyển dụng, người chủ doanh nghiệp nào cũng cảm thấy khó khăn nhất và thường xuyên gặp phải.
Thực tế là có rất nhiều Chủ Doanh nghiệp muốn “deal lương” ở mức có rủi ro thấp nhất cho Doanh nghiệp. Vậy rủi ro ở đây là gì? Mức lương trả không được cao hơn nhiều so với mức hiện tại của ứng viên nếu cùng vị trí, cùng cấp (thông thường 90% – 120% lương hiện tại của ứng viên). Các mức được đưa ra theo năng lực nhận diện qua quá trình tuyển chọn, động lực ứng tuyển của ứng viên, …. Để đưa ra mức phù hợp hai bên có thể chấp nhận.
Ngoài ra, Nhà Tuyển dụng còn quan tâm đến rủi ro chênh lệch mặt bằng lương đối với các nhân sự có cùng vị trí làm việc sẽ gây mâu thuẫn, mất đoàn kết của đội, nhóm trong tương lai và nhiều hệ quả khác nữa,…
Chính vì vậy, việc deal lương và đẩy mức lương đàm phán càng thấp hơn so với nhu cầu chấp nhận được của ứng viên là điều mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng phải lưu ý để giảm thiểu rủi ro nhất cho Doanh nghiệp của mình.
Sẽ có 03 viễn cảnh xảy ra trong tương lai giữa quan hệ Công ty – Ứng viên mới này khi tiếp tục hợp tác:
- Trường hợp thứ 1: Ứng viên – Chủ Doanh nghiệp cùng thấy chấp nhận, vui vẻ với thỏa thuận Điều này vô cùng tốt đẹp, tạo tiền đề cho các hợp tác lâu dài sau này.
- Trường hợp thứ 2: Ứng viên vui vẻ – Chủ Doanh nghiệp không vui vẻ nhưng vẫn chấp nhận Tương lai ứng viên sẽ được “chăm sóc, quan tâm” nhiều hơn trong công việc, giao việc nhiều hơn để bù lại giá trị “thặng dư” tiền lương trả cho ứng viên, … Các nội dung trao đổi về công việc như khối lượng, phạm vi, tính chất công việc, không khí làm việc sẽ thay đổi nhiều so với thỏa thuận ban đầu. Hệ quả sẽ rất tồi tệ nếu ứng viên có tính cách thẳng thắn hoặc Chủ Doanh nghiệp lại là người quản lý trực tiếp, hoặc biết rất rõ công việc của nhân viên này. Để nhân sự này cân bằng được thì lực hút lúc này là môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ đồng nghiệp phải thật tuyệt vời!
- Trường hợp thứ 3: Ứng viên không vui vẻ – Chủ doanh nghiệp vui vẻ với thỏa thuận
Mọi thứ sẽ dịch chuyển theo xu hướng không tích cực ở nhiều cấp độ và Nhà tuyển dụng phải xác định được điều này:
- Khi thu nhập không như mong muốn, chưa cần ổn định sẽ tiếp tục tìm việc khác sớm để có thu nhập mong muốn (xu hướng: Nhân sự sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở Doanh nghiệp khác, có thể nghỉ việc trong thời gian thử việc).
- Khi thu nhập không như mong muốn, công sức bỏ ra làm việc không tương xứng với thu nhập nhận được và môi trường làm việc ít cơ hội phát triển, không chuyên nghiệp nhưng cần ổn định trước mắt (xu hướng: Nhân sự sẽ “chán”. Luôn thường trực, chủ động tìm kiếm cơ hội ở Doanh nghiệp mới).
- Thu nhập không mong muốn, công sức bỏ ra làm việc không tương xứng với thu nhập nhận được nhưng cần ổn định trước mắt (xu hướng: Nhân sự thấy “chán”, động lực làm việc kém, chờ đợi cơ hội thay đổi trong tương lai).
- Thu nhập không mong muốn nhưng cần ổn định và các yếu tố khác không quá quan trọng (xu hướng: Làm việc đều đều, an phận, thụ động).
Như vậy, chúng ta có thể thấy để có quyết định phù hợp khi deal lương, Chủ Doanh nghiệp, Nhà tuyển dụng cần xác định:
- Ứng viên này có thực sự nhiều tiềm năng hay không? Vì khi ứng viên nhiều tiềm năng phát triển, sẽ đóng góp cho Doanh nghiệp của bạn nhiều hơn gấp nhiều lần bạn chi trả cho họ và sẽ góp phần “dập tắt” những ý kiến tiêu cực gây mất đoàn kết từ đội ngũ hiện tại.
- Ứng viên có phải là người có tính cách thẳng thắn hay không? Vì khi ứng viên có tính cách thẳng thắn và cá tính thì họ sẽ làm theo điều họ mong muốn.
- Ứng viên có quá đặt nặng vấn đề mục tiêu thu nhập khi làm việc trong khoảng thời gian nhất định hay không? Vì mỗi ứng viên có áp lực về tài chính, hoàn cảnh gia đình khác nhau.
- Môi trường làm việc, đội ngũ nhân sự hiện nay của bộ phận liên quan trong Doanh nghiệp bạn có thực sự thân thiện, chuyên nghiệp hay không, …? Vị thế của Doanh nghiệp bạn trong ngắn hạn? Vì điều này quyết định ‘’lực hút” với ứng viên ở lại.
Thông điệp mà chúng tôi gửi đến Chủ Doanh nghiệp, Nhà tuyển dụng ở góc nhìn tư duy sâu hơn về sử dụng và đầu tư cho nhân sự ngay từ khâu đầu vào đó là: “Sức lao động là loại hàng hóa đặc biệt! Không phải bạn mua được giá rẻ là bạn thành công”
Cảm ơn quý Doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng nhanluc72h.com!
Nguồn: Nhanluc72h.com